1. Nhồi máu cơ tim khác gì đột quỵ về triệu chứng và nguyên nhân
Điểm chung của nhồi máu cơ tim và đột quỵ là bệnh lý liên quan đến tắc hẹp động mạch, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trong cơ thể, cụ thể là tim và não. Đây là hai cơ quan quan trọng nên khi tắc hẹp mạch máu, tình trạng giảm cấp máu sẽ gây chết tế bào, mất chức năng, hoại tử và dẫn đến tử vong. Song nhồi máu cơ tim và đột quỵ là hai biến chứng khác nhau, cần phân biệt để xử trí tốt hơn.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hẹp động mạch nuôi tim
Cụ thể nhồi máu cơ tim khác gì đột quỵ? Cùng phân tích 2 bệnh lý này qua các yếu tố sau:
1.1. Bản chất bệnh lý
Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn động mạch vành phải, trái hoặc nhánh của nó, tùy theo mức độ tắc nghẽn là một phần hay hoàn toàn mà mức độ nguy hiểm sẽ nặng dần. Tình trạng này khiến vùng cơ tim bị ảnh hưởng không được cấp đủ oxy và dinh dưỡng, dẫn tới hoại tử, giảm chức năng bơm máu. Hậu quả gây ra là tình trạng suy tim, sốc tim, tử vong,…
Đột quỵ là tình trạng xảy ra do tắc nghẽn dòng máu nuôi lên não do huyết khối chèn ép cản trở mạch máu hoặc do rò, vỡ mạch máu gây xuất huyết. Đột quỵ làm tổn thương nghiêm trọng tế bào não, gây hoại tử và mất chức năng của khu vực não này. Đột quỵ cũng gây tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân nếu không can thiệp sớm.
Như vậy, sự khác nhau lớn nhất về bản chất bệnh lý giữa nhồi máu cơ tim và đột quỵ là mạch máu nuôi tim và não bất thường dẫn tới tổn thương tế bào ở hai cơ quan tương ứng.
Đột quỵ do tổn thương tế bào não do thiếu máu hoặc xuất huyết
1.2. Triệu chứng của nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Do hai cơ quan ảnh hưởng khác nhau nên triệu chứng của đột quỵ và nhồi máu cơ tim khá khác biệt. Bệnh nhân có thể biểu hiện rõ ràng hoặc mờ nhạt phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương tế bào, giới tính tuổi tác cũng như tình trạng sức khỏe.
Có thể phân biệt triệu chứng khác nhau giữa nhồi máu cơ tim và đột quỵ như sau:
Triệu chứng nhồi máu cơ tim
- Khu vực tim và các chi ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng nhất với triệu chứng:
- Đau tức ngực, cảm giác như bị đè nặng.
- Khó thở, thở dốc, tim đập nhanh chóng mặt.
- Tinh thần lo lắng, bồn chồn, đổ mồ hôi.
- Cảm giác đau bất thường vùng cánh tay, bàn tay, lưng,… xảy ra không liên tục.
Triệu chứng đột quỵ
Não bộ bị tổn thương nên tùy vùng tổn thương chịu trách nghiệm điều khiển hoạt động nào mà bệnh nhân sẽ có biểu hiện bệnh tương ứng. Triệu chứng đột quỵ thường gặp là:
- Méo miệng, khó phát âm hoặc phát âm không đúng.
- Cảm giác tê liệt, đuối sức, không thể điều khiển một nửa cơ thể.
- Đau nhức đầu nghiêm trọng, buồn nôn, chóng mặt, mất thăng bằng.
- Suy giảm thị giác đột ngột, thường xảy ra ở một bên mắt.
- Tinh thần không tỉnh táo, không thể nhớ hay hiểu người khác đang nói gì.
Đột quỵ gây đau đầu nghiêm trọng
1.3. Nguyên nhân nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều là động mạch tắc nghẽn, ngoài ra trong đột quỵ còn là tổn thương động mạch gây xuất huyết. Nguyên nhân gây ra vấn đề mạch máu ở hai bệnh lý này có một số khác biệt.
Nhồi máu cơ tim
Sự tắc nghẽn động mạch vành nuôi máu đến cơ tim thường do mảng xơ vữa từ cholesterol tích tụ hoặc huyết khối gây ra.
Đột quỵ
Đột quỵ có thể do xuất huyết hoặc thiếu máu não cục bộ, trong đó thiếu máu não cục bộ là phổ biến nhất. Nguyên nhân gây ra thường là huyết khối tắc trong động mạch não hoặc mảng bám do cholesterol tích tụ. Còn trong trường hợp xuất huyết, nguyên nhân thường là chấn thương hoặc huyết áp cao đột ngột làm rò, vỡ mạch máu.
2. Chẩn đoán phân biệt nhồi máu cơ tim và đột quỵ bằng phương pháp nào?
Đa phần có thể phân biệt nhồi máu cơ tim và đột quỵ dễ dàng qua triệu chứng và thăm khám lâm sàng. Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán chuyên sâu hơn để xác định tình trạng bệnh cũng như thực hiện sơ cứu và điều trị đạt hiệu quả nhất.
Chẩn đoán hình ảnh có giá trị cao trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim và đột quỵ
2.1. Chẩn đoán đột quỵ
Dựa trên triệu chứng và tiền sử bệnh lý, có thể nghi ngờ đột quỵ và chẩn đoán bằng kỹ thuật chụp CT não hoặc MRI. Qua hình ảnh chẩn đoán, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân gây đột quỵ cũng như vị trí ảnh hưởng, từ đó xem xét can thiệp thích hợp.
2.2. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Các kỹ thuật thường dùng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim là:
- Xét nghiệm máu tìm dấu hiệu sinh hóa của tổn thương cơ tim.
- Điện tâm đồ xem xét tình trạng hoạt động của tim.
- Xét nghiệm men tim kiểm tra tổn thương và biến chứng nhồi máu cơ tim.
- Siêu âm tim kiểm tra bất thường trong hoạt động của tim.
3. Sơ cứu và điều trị lâu dài nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Dù nhồi máu cơ tim hay đột quỵ, cần xác định đây đều là trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân cần được sơ cứu kịp thời để đảm bảo sự sống. Do đó, hãy gọi cho cấp cứu 115 ngay khi phát hiện có người có triệu chứng của nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nếu có kiến thức hoặc được đào tạo y tế, bạn mới thực hiện sơ cứu cho người bệnh, tự ý di chuyển hoặc sơ cứu không đúng cách có thể gây nguy hiểm.
Sau khi đảm bảo sự sống cho người bệnh, việc chẩn đoán chuyên sâu và điều trị lâu dài sẽ được thực hiện.
3.1. Điều trị nhồi máu cơ tim
Các phương pháp thường áp dụng trong điều trị lâu dài ngừa tiến triển và tái phát bao gồm: Phẫu thuật ghép động mạch vành, nong mạch vành bằng stent, thuốc men và thay đổi lối sống,… Phẫu thuật sẽ đảm bảo duy trì sự lưu thông mạch máu, thuốc men và thay đổi lối sống sẽ ngăn ngừa hình thành cục máu đông và mảng xơ vữa khiến nhồi máu cơ tim tái phát.
Nếu chức năng tim bị ảnh hưởng, cần điều trị phục hồi chức năng tim bằng các bài thể dục và vận động thích hợp.
Lối sống lành mạnh tốt cho bệnh nhân sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim
3.2. Điều trị đột quỵ
Với mạch máu nuôi não bị tổn thương, cần dùng chất phá vỡ cục máu đông làm tắc nghẽn hoặc can thiệp lấy cục máu đông. Nếu đột quỵ do xuất huyết, mạch máu hỏng cần được phẫu thuật sửa chữa và cố định lại.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thay đổi lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học để nâng cao sức khỏe cũng như đảm bảo tuần hoàn máu tốt.
Những chia sẻ về nhồi máu cơ tim khác gì đột quỵ trên đây giúp bạn đọc đã hiểu rõ và biết cách xử trí, phân biệt khi gặp phải bệnh nhân có triệu chứng.