1. Tìm hiểu về vắc xin ngừa cúm mùa
Cúm mùa là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do nhiễm virus cúm, có nhiều chủng virus cúm nhưng phổ biến nhất là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm B,… Cúm mùa thường xuất hiện vào mùa đông xuân do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của chúng, khả năng lây lan cao qua đường hô hấp nên dễ bùng thành dịch.
Cúm mùa là bệnh rất phổ biến vào thời tiết đông xuân
Bệnh cúm mùa rất phổ biến, hầu hết mỗi chúng ta sẽ mắc bệnh ít nhất 1 lần trong đời. Khi nhiễm virus, sau thời gian ủ bệnh, triệu chứng sẽ xuất hiện rầm rộ như: cơ thể mệt mỏi, đau nhức cơ, sốt cao hơn 39 độ C, nhức đầu, rét run, mệt mỏi, buồn nôn, chảy dịch mũi trong, hắt hơi, đau họng,…
Hệ miễn dịch cơ thể đóng vai trò quan trọng trong tiến triển của bệnh cúm mùa. Đa phần bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường sẽ tự khỏi bệnh trong vài ngày hoặc kéo dài đến 1 tuần mà không gặp phải biến chứng nguy hiểm gì. Song ở người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc đối tượng sức khỏe yếu thì bệnh trở nên nguy hiểm, nguy cơ biến chứng cao như: viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng, thậm chí là tử vong.
Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, vắc xin đã được điều chế từ virus cúm bất hoạt. Khi cơ thể được tiêm vắc xin này, hệ miễn dịch nhận biết kháng nguyên từ virus cúm để sản sinh lượng kháng thể nhất định, khi virus xâm nhập thật sự sẽ nhanh chóng tiêu diệt chúng. Vì thế người được tiêm phòng sẽ có khả năng kháng virus cúm mùa đã được tiêm chủng, giảm nguy cơ khởi phát bệnh và biến chứng.
Thực tế có rất nhiều chủng virus cúm mùa
Tuy nhiên, virus cúm mùa gồm nhiều chủng song vắc xin ngừa cúm mùa chỉ chứa 1 - 2 loại kháng nguyên đặc hiệu của virus. Vì thế người bệnh chỉ tạo kháng thể với các chủng này, không có khả năng phòng ngừa tất cả các loại virus cúm. Hơn nữa, virus cúm hiện nay đang có nhiều biến thể, kết hợp tạo chủng mới nên gây nhiều khó khăn trong công tác phòng ngừa, phát triển vắc xin.
Mặc dù vậy, vắc xin ngừa cúm mùa vẫn được khuyến cáo nên thực hiện với các đối tượng đặc biệt, nguy cơ cao mắc bệnh và nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
2. Đối tượng nên tiêm vắc xin ngừa cúm mùa
Với cộng đồng, tiêm vắc xin ngừa cúm mùa mang lại rất nhiều lợi ích, một thống kê y tế đã đưa ra: Việc tiêm phòng vắc xin ngừa cúm mùa đã giúp ngăn ngừa khoảng 6,2 triệu ca bệnh, 3,2 triệu lượt khám bệnh, 91 nghìn ca nhập viện và 5.700 ca tử vong. Điều này giúp giảm gánh nặng y tế, tăng cường chất lượng sống cho cộng đồng.
Các đối tượng sau là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhiễm virus cúm, vì thế được khuyến cáo nên tiêm phòng hàng năm:
2.1. Người mắc bệnh mãn tính
Người mắc bệnh mãn tính dễ gặp biến chứng khi nhiễm virus cúm như:
- Bệnh tim mạch mãn tính: Biến chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim phải nhập viện điều trị.
- Bệnh phổi mãn tính: Tiến triển bệnh nặng hơn và phải nhập viện, nhất là những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Bệnh đái tháo đường hoặc hội chứng suy giảm miễn dịch: Nguy cơ biến chứng suy đa tạng nguy hiểm, nguy cơ nhập viện cao.
Phụ nữ mang thai dễ nhiễm cúm và khó điều trị
2.2. Phụ nữ mang thai
Phụ nữ đang mang thai có hệ miễn dịch yếu hơn do nhiều sự thay đổi trong cơ thể nên nguy cơ biến chứng cao. Hơn nữa khi mắc bệnh, mẹ bầu bị hạn chế trong dùng thuốc điều trị vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, biến chứng nặng của cúm cũng có thể đe dọa đến sức khỏe của trẻ.
Tiêm phòng vắc xin ngừa cúm mùa giúp giảm bớt nỗi lo lắng của mẹ bầu về nguy cơ mắc bệnh, nhất là trong đợt bùng phát dịch. Hơn nữa, kháng thể từ mẹ có thể truyền cho con, giúp bảo vệ trẻ nhỏ bởi nguy cơ mắc bệnh trong những tháng đầu tiên của cuộc đời.
2.3. Phụ nữ sau sinh
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi không thể tiêm phòng vắc xin ngừa cúm mùa, vì thế kháng thể truyền từ mẹ cũng như sự chăm sóc, cách ly trẻ khỏi nguồn nhiễm bệnh là rất quan trọng. Mẹ là người chăm sóc gần gũi, thường xuyên với trẻ nhất nên có kháng thể chủ động và ngăn ngừa nhiễm bệnh, tránh lây nhiễm virus cúm cho trẻ.
2.4. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già
Đây đều là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu, virus cúm có thể phát triển mạnh, khó kiểm soát dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
3. Giải đáp các thắc mắc về tiêm vắc xin ngừa cúm mùa
Về việc tiêm phòng và hiệu quả của tiêm phòng, đã nhận được rất nhiều thắc mắc từ bạn đọc, dưới đây các chuyên gia sẽ giải đáp một số vấn đề quan trọng.
Vắc xin cúm được phát hành hàng năm
3.1. Có cần tiêm vắc xin ngừa cúm mùa hàng năm không?
Thực tế virus cúm đang phát triển và tạo ra nhiều biến thể mới mỗi năm, vắc xin cũ không giúp tạo kháng thể chống những chủng virus mới này. Vì thế, vắc xin ngừa cúm mùa được phát hành hàng năm và nên tiêm chủng hàng năm để bắt kịp với virus mới.
Hơn nữa, khi tiêm vắc xin ngừa cúm mùa định kỳ, cơ thể sẽ tạo kháng thể ổn định, đảm bảo khả năng kháng bệnh, tránh việc giảm kháng thể theo thời gian.
3.2. Nên tiêm vắc xin ngừa cúm mùa thời điểm nào?
Bệnh cúm mùa có thể xảy ra quanh năm, nhưng ở nước ta thời gian dịch dễ bùng phát là mùa xuân và đông. Vì thế thời điểm khuyến cáo nên tiêm vắc xin ngừa cúm mùa là 2 tuần - 4 tuần trước khi vào mùa cao điểm, nghĩa là khoảng tháng 9 - tháng 3.
3.3. Nguy cơ biến chứng sau tiêm vắc xin ngừa cúm mùa?
Vắc xin cúm mùa là vắc xin bất hoạt, không có khả năng gây bệnh nhưng cơ thể có thể gặp 1 số phản ứng nhất định như: nổi mẩn đỏ, đau nhức ở vị trí tiêm, sốt nhẹ, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn,… Các phản ứng này thường tự biến mất trong thời gian ngắn nên không quá nguy hiểm.
Song cần cẩn thận với nguy cơ sốc phản vệ sau tiêm vắc xin, bệnh nhân sau tiêm chủng nên ở lại theo dõi tại cơ sở y tế để xử lý kịp thời trong trường hợp này.
Người sau tiêm phòng vắc xin nên ở lại cơ sở y tế để theo dõi
3.4. Đối tượng không nên tiêm vắc xin ngừa cúm mùa?
- Vắc xin ngừa cúm mùa chống chỉ định với:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Người dị ứng nghiêm trọng với bất cứ thành phần nào của vắc xin.
Người mắc hội chứng Guillain-Barre.