1. Tại sao bạn bị điếc đột ngột?
Điếc đột ngột được miêu tả là tình trạng mất thính giác đột ngột, diễn ra nhanh chóng trong thời gian ngắn, có thể tính bằng phút hoặc kéo dài vài tiếng. Hiếm trường hợp điếc đột ngột kéo dài một vài ngày. Tình trạng này thường chỉ xảy ra ở một tai, song vẫn có trường hợp điếc đột ngột cả hai bên tai hoặc luân phiên hai bên tai.
Điếc đột ngột là tình trạng mất thính lực trong thời gian ngắn
Tình trạng điếc đột ngột thường xảy ra trong các trường hợp như:
- Buổi sáng khi vừa thức dậy, người bệnh cảm giác khó hoặc không thể nghe được âm thanh nào.
- Điếc đột ngột xảy ra khi bạn đang cố gắng lắng nghe âm thanh không rõ ràng nào đó, ví dụ như khi sử dụng điện thoại.
- Điếc đột ngột khi người bệnh gặp phải âm thanh ồn ào bất ngờ và đồng thời thính giác biến mất
Tình trạng điếc đột ngột này có thể đi kèm với triệu chứng khó chịu khác như: ù tai, chóng mặt, cảm giác đầy tai, ngứa trong tai,… Khá nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng này nhưng chủ quan do điếc đột ngột chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, sau đó phục hồi một phần hoặc hoàn toàn thính lực.
Trong chuyên khoa Tai Mũi Họng, điếc đột ngột là tình trạng cấp cứu cần khám và điều trị kịp thời. Nó xảy ra do vấn đề về cơ quan cảm giác của tai trong, tình trạng này có thể tái phát và ảnh hưởng tới thính lực của người bệnh.
Tình trạng điếc đột ngột có thể không tìm ra nguyên nhân
Điếc đột ngột xảy ra khá phổ biến với tỉ lệ khoảng 1 - 6 người trên 5.000 người. Có không ít người bệnh không đi khám và điều trị, việc xác định nguyên nhân và cơ chế gây ra tình trạng này còn nhiều khó khăn.
Các bác sĩ đã tìm ra mối liên hệ giữa các yếu tố gây rối loạn ảnh hưởng đến tai và dẫn tới tình trạng điếc đột ngột. Song chỉ có khoảng 10% bệnh nhân xác định được nguyên nhân chính xác, bao gồm:
- Chấn thương đầu làm tổn thương hệ thần kinh liên quan.
- Bệnh lý nhiễm trùng, cúm, quai bị, tăng huyết áp đột ngột.
- Vấn đề về lưu thông máu đến tai và khu vực xung quanh.
- Rối loạn thần kinh liên quan như: bệnh đa xơ cứng,…
- Bệnh tự miễn.
- Tác dụng phụ hoặc phản ứng của cơ thể quá mức trước nhiễm trùng nặng, dị ứng, thuốc điều trị ung thư,…
- Rối loạn tai trong trong bệnh lý Meniere.
- Mức độ tiểu cầu hoặc bạch cầu trong máu tăng cao làm nghẽn vi mạch trong tai.
Xác định được nguyên nhân và điều trị sẽ giúp phòng ngừa điếc đột ngột tái phát cũng như ngăn ngừa tổn thương thính lực vĩnh viễn.
2. Chẩn đoán điếc đột ngột cần thực hiện nhanh chóng
Điếc đột ngột chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nguyên nhân có thể khó xác định và nguy cơ biến chứng bất cứ lúc nào nên cần chẩn đoán sớm. Khi có triệu chứng, đầu tiên bác sĩ cần loại trừ tình trạng mất thính lực do tắc nghẽn như ráy tai hoặc chất lỏng. Hãy cung cấp càng chi tiết càng tốt triệu chứng và các vấn đề sức khỏe liên quan, điều này giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh chóng hơn.
Cần chẩn đoán và điều trị sớm điếc đột ngột
Nếu điếc đột ngột không có nguyên nhân rõ ràng, thông thường bác sĩ sẽ đo thính lực đơn âm trong vài ngày để kiểm tra triệu chứng. Ngoài ra, các xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh, đo dẫn truyền âm,… cũng cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý gây điếc đột ngột.
Đôi khi không xác định được nguyên nhân gây điếc đột ngột, cần điều trị triệu chứng và tiếp tục theo dõi.
3. Bác sĩ hướng dẫn xử trí điếc đột ngột đúng cách
Trong điều trị xử trí điếc đột ngột, nhất là các trường hợp chưa xác định rõ nguyên nhân, triệu chứng sẽ được loại bỏ bằng sử dụng thuốc Corticosteroid. Trước đây, bệnh nhân chủ yếu được điều trị bằng Steroid dạng thuốc uống hoặc tiêm. Sau một vài thử nghiệm, tiêm xuyên nhĩ Intratympanic cũng có hiệu quả tương tự và cũng được sử dụng trong điều trị lâm sàng.
Việc sử dụng Steroid càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao, được thực hiện ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây điếc đột ngột. Nếu điều trị muộn sau 2 - 4 tuần, có khả năng điếc đột ngột tái phát hoặc mất thính lực vĩnh viễn.
Đa phần xử trí điếc đột ngột bằng Steroid
Khi xác định được nguyên nhân, điều trị bổ sung theo nguyên nhân sẽ được thực hiện. Ví dụ nếu điếc đột ngột là biến chứng nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp. Nếu điếc đột ngột do tác dụng phụ của thuốc hoặc thực phẩm gây độc, cần trao đổi với bác sĩ điều trị để chuyển sang loại thuốc khác.
Khó khăn hơn nếu điếc đột ngột là do tình trạng hệ thống miễn dịch rối loạn, tự tấn công làm tổn thương tế bào tai trong, cần điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Khi thính lực chưa thể hoặc không thể phục hồi, bác sĩ có thể cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng công cụ hỗ trợ âm thanh. Máy trợ thính có tác dụng khuếch đại âm thanh, còn cấy ốc tai điện tử sẽ kích thích trực tiếp và giúp kết nối thính giác trong tai đến não.
Nếu điếc đột ngột là triệu chứng của tình trạng tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, bệnh nhân cần điều trị để kiểm soát tốt các bệnh lý này. Các triệu chứng đi kèm như chóng mặt, đau tai, khó chịu, buồn nôn,… sẽ thuyên giảm bằng thuốc an thần, giảm đau kết hợp với nghỉ ngơi và chăm sóc. Dù điều trị tích cực nhưng nếu không đúng nguyên nhân, điếc đột ngột vẫn có thể tái phát và gây ảnh hưởng đến thính lực lâu dài.
Nghỉ ngơi giúp ngăn ngừa điếc đột ngột và triệu chứng khác
Để đề phòng điếc đột ngột tái phát, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc và theo dõi sức khỏe nhiều hơn bằng việc thăm khám định kỳ, tránh làm việc quá sức, ăn uống và nghỉ ngơi khoa học. Không nên chủ quan dù tình trạng này xảy ra trong thời gian ngắn.